Xó #10: Đi lễ tang ở Nhật Bản

Nhà máy mình quản lý thực tập sinh, ở đó mình có quen thân với 3 người bác. Họ là những người cùng làm việc với nhau suốt nhiều năm, hợp cạ nên thân nhau, mình hay nói chuyện phiếm với bác N nên càng ngày càng thân với 2 bác còn lại. Ai cũng thương Thực tập sinh và thương mình như con, luôn cưng chiều và mua bánh mua kẹo cho ăn mỗi khi gặp.

Vậy nên mình cũng rất là yêu quý họ.

Chủ nhật vừa rồi, ba của bác N mất, bác O nhắn tin báo mình tin và bảo sẽ phúng điếu, ghi tên mình lên đó. Mình hỏi muốn đến chia buồn thì có được không. Và được sự đồng ý của bác O và bác M, mình đã cùng 2 bác đi viếng lễ tang của ba bác N.

Đây cũng là trải nghiệm đầu tiên về lễ tang ở Nhật đối với mình. Trước giờ mình đã từng tham gia lễ cưới, đám giỗ rồi, mỗi buổi lễ đều để ấn tượng khá đặc trưng, biểu hiện một Nhật bản rất nghi thức và trang trọng. Đẹp và thanh cao đến kỳ lạ.

Hôm nay mình viết một chút về nghi thức lễ tang ở Nhật, và các kiểu mana cần thiết.


 

 I. Các thứ phải chuẩn bị 

 

 

TRANG PHỤC

  • Toàn bộ trang phục đều phải màu đen, từ đầu tới chân.
  • Đối với nam giới, lưu ý là áo sơ mi trắng, cà vạt màu đen. Giày đen đơn thuần.
  • Đối với nữ giới, lưu ý là vớ cũng phải màu đen. Giày boot hoặc sandal thì không hợp lệ dù màu đen.
  • Không sơn móng tay, tóc nhuộm màu thì cũng phải nhuộm tối màu lại, nữ trang vàng bạc cũng không hợp lệ, thông thường mang vòng ngọc trai.

 

Mình không có váy nên mặc quần tây để chữa cháy cũng tạm ổn. Đồ mình mặc là đồ văn phòng để dành đi ăn tiệc.

Hầu như phụ nữ Nhật nào cũng sẽ có 1 bộ đồ suit màu đen trong tủ, để dành cho các dịp lễ đặc biệt như thế này.

 

 

 

PHÚNG ĐIẾU  香典 (こうでん)

1: 3~5000 yên               2: 1~20000 yên                 3: 3~50000 yên                     4: 100.000 yên

Đây là loại phong bì dành riêng cho việc phúng điếu.

Thường có bán tại konbini ( cửa hàng tiện lợi) và siêu thị.

Chất lượng giấy càng cao thì tiền bỏ vào cũng nhiều.

 

Có thể tham khảo mức giá trung bình như sau:

Mối quan hệ Tiền phúng điếu
Ông bà 10.000 yên
Cha mẹ 50~100.000 yên
Anh em 50.000 yên
Cô chú bác 10.000 yên
Họ hàng khác 10.000 yên
Người trong công ty 5000 yên
Bạn bè 5000 yên
Hàng xóm 5000 yên

 

Tuy nhiên cũng chỉ là tham khảo. Tuỳ theo mức độ thân thiết có thể tăng thêm theo tấm lòng của mình.

Mình thì bỏ vào bao phúng điếu 7000 yên.

Sau đó ghi tên phía dưới.

 

 

CHUỖI CẦU NGUYỆN 数珠 (じゅず)

 

Đi lễ tang, và đi đám giỗ nhất định phải có chuỗi cầu nguyện này. Chuỗi này tuỳ theo nhu cầu có giá từ 1500 yên ~ vài trăm vạn yên.

Mình thì được cho mượn. Nhưng các gia đình người Nhật hầu như mỗi người đều có trang bị 1 cái.

Loại dành cho nữ giới thường màu dễ thương <3

 

II.  Đi lễ tang

Cũng gần giống ở Việt Nam, lễ tang của Nhật có thể thăm viếng vào đêm trước và buổi hành lễ.

通夜 (つうや) Đêm trước lễ

Đối tượng: Gia đình, người thân, bạn bè , người công ty

Sẽ tham gia viếng vào đêm này. Với ý nghĩa trải qua 1 đêm trước khi tiễn biệt người quá cố.

葬儀   (そうぎ )  Lễ tang + lễ tiễn biệt

Đối tượng: Chỉ dành cho gia đình và người thân thiết. Những vị khách khác sẽ không đến trong ngày này, tuỳ 1 số trường hợp đặc biệt.

( Như mình là đến vào ngày lễ tang chính thức vì mình đi theo 2 bác, và 2 bác ấy bận đi làm nên không tham gia vào đêm trước được )

 

III. Đến lễ tang thường làm gì?

 

Đầu tiên là đến quầy tiếp nhận để trao phúng điếu cho thân chủ, và ghi tên- địa chỉ vào sổ lưu chép.

Ở đây sẽ được nhận quà đáp lễ do gia đình chuẩn bị để cảm ơn vì tham gia buổi lễ.

 

Rồi thực hiện lễ nghi chào hỏi với người trong gia đình, sau đó vào lễ đường.

 

 

Ở lễ đường, Đài hoa dành cho người đã mất được người Nhật làm rất chỉn chu và long trọng. Đài hoa xếp dài bao quanh hình người quá cố.

Phía dưới xếp ghế theo hàng như nhà thờ, để người tham gia đến ngồi nghe sư thầy đọc kinh cầu nguyện. Rất trang trọng, cứ như ở quân đội vậy.

 

 

Thông tin thêm: Chi phí dành cho lễ tang trung bình ước tính là 1.950.000 yên ( trong đó chi phí cho tiền nghi thức, vật dụng, con người tầm 1.210.000 yên, tiền nước uống đồ ăn nhẹ từ 300.000 yên, và tiền cho sư thầy 470.000 yên )

Ước tính tiền phúng điếu trung bình từ 680.000~880.000 yên. Là một con số không hề nhằm nhò gì đến chi phí làm lễ tang. Ngoài ra còn thêm chi phí thuê đất hằng năm xây mồ mã trong chùa, tiền lễ nghi dọn dẹp hằng năm nữa. Nên nghe nói người Nhật vẫn phải để dành tiền để chi phí cho các loại tiền sau khi mất, không làm gánh nặng cho con cái nhiều.

 

 

 

Trong khi sư thầy đọc kinh, sẽ đôi lúc mọi người cùng cầm chuỗi cầu nguyện lên lồng vào đôi tay đang chấp lấy nhau và cầu nguyện.

 

 

Sau đó khi sư thầy đọc kinh xong, lần lượt từng người đến thắp hương tiễn biệt (焼香 しょうこう). Cách làm nghi thức thắp hương cũng khác ở Việt Nam.

 

 

Đầu tiên, đến bàn thắp hương, lồng chuỗi cầu nguyện chấp tay chào. Sau đó dùng tay phải bóc 1 chút bột hương ( hương nhang cắt nhỏ ) rồi thả nhẹ vào lư hương, sau đó chấp tay 1 lần nữa, rồi cúi người chào bàn thờ.

Rồi quay người về phía gia đình có người mất thực hiện nghi thức chào rồi lặng lẽ quay về chỗ ngồi.

 

Cuối cùng, người con trai trưởng sẽ phát biểu cảm nghĩ, và gửi lời cảm ơn đến tất cả khách đến tham gia tiễn đưa người quá cố.

Ở đây, lúc này là bác N của mình, bác nói rằng ” Tôi xin cảm ơn mọi người đã dành thời gian đến với gia đình chúng tôi. Cha tôi, ông luôn là một người khoẻ mạnh, lúc nào cũng cười rất nhân hậu, ông đã dạy tôi rất nhiều thứ, từ khi tôi là một đứa trẻ, cho đến khi tôi trưởng thành, tôi bắt đầu đi làm, ông cũng dạy tôi rất nhiều về công việc của tôi bây giờ. Đến ngày ông bệnh, ông mất dần ý thức và không thể nào giao tiếp được với người thân. Tình trạng mỗi ngày càng nặng dần, chúng tôi cảm thấy điều không lành đang gần kề, rồi đến hôm kia khi bệnh viện gọi báo tin cho chúng tôi rằng chúng tôi mất ông ấy. Mất ông ấy thật rồi..”

Bác chỉ kể lại một quá trình, không quá cầu kỳ, thậm chí quá đơn giản, nhưng một người chưa từng tiếp xúc ba của bác, chỉ nhìn hình nụ cười của ông treo trên tường, rồi nghe giọng bác nói, tự nhiên cảm động rồi khóc. Thậm chí ngay cả khi viết lại những dòng này, vẫn thấy cảm động, nước mắt vẫn cứ chảy.

Lễ tang ở Nhật, không ồn ào, không khóc than ai oán, nhưng vẫn cảm thấy họ dường như đang kiềm nén nỗi đau, nuốt ngược nước mắt vào trong lòng chỉ vì không muốn người khác phải đau buồn theo, chỉ vì sợ làm phiền người tham gia.

Khiến một đứa nước ngoài như mình cũng phải đồng cảm..


 

Khách sẽ rời khỏi lễ đường, và được phát cho thêm 1 túi quà nhỏ để cảm ơn đã tham gia buổi lễ ( có lẽ tuỳ từng nơi và gia đình )

 

Mọi người cùng tiễn và nhìn theo xe đưa quan tài đến nơi hoả thiêu.

 

Tại đây mình cũng không thể đi cùng tiếp được nữa nên cùng 2 bác về nhà. Bác bảo sự có mặt của mình rất có ý nghĩa, dù mình không làm gì được nhiều cả. Chỉ hi vọng bác ấy sẽ vượt qua nỗi mất mát, luôn mạnh khoẻ và quay trở lại cuộc sống thường nhật.

 

 

Cầu chúc mọi điều tốt lành đến với mọi người mình yêu thương. Cầu an yên, cầu sức khoẻ cho họ, để mình không phải tham gia thêm buổi tiễn đưa nào nữa.

 

 

 

 

 

 

Comments

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close
error: Tôn trọng bản quyền!!!