Mình hay đọc sách như thế nào?

Ngày xưa đọc sách, hay giữ sách sạch đẹp, mới cóng, và cho rằng đó là yêu quý sách. Nhưng bây giờ thay đổi rồi, đọc sách là phải nâng cao được giá trị của sách, là phải gạch viết những câu mình thích, phải ghi chú những điểm mình cảm thấy sử dụng được. Sách mua ở Nhật mắc lắm nên cũng xót sách, nhưng nhìn cuốn sách nào được viết lung tung, gạch lung tung, thì mình biết cuốn đó mang nhiều giá trị cho mình hơn cả.



Thường khi đọc sách. Mình hay có quy tắc quy định riêng về cách đánh dấu kiểu đại loại như sau:

1. Từ vựng nào không biết nghĩa, không đoán được nghĩa, không đọc được kanji ( dù đoán được nghĩa ) mình đều khoanh tròn, để khi rảnh lại lôi ra tra từ điển, hiểu sâu hơn đoạn văn ( cảm thấy muốn hiểu) đã đọc trước đó theo dạng không tra từ điển, chỉ nhờ văn phong ngữ cảnh để đoán ý.
2. Những câu, đoạn văn cảm thấy có khả năng sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình, mình sẽ gạch dưới. Đọc đi đọc lại thật to như con điên nhiều lần, cho đến khi nhuần nhuyễn, đọc không còn vấp nữa. Hoặc mình sẽ chôm cả câu đó, viết status câu like gì đó trên facebook để tỏ ra mình giỏi tiếng Nhật. Hihi. Nói chung là mình cố sử dụng cái câu mình cảm thấy hay.
3. Hiện tại, mình chưa phân biệt được は、が dù đọc hiểu cả 1 đống bài phân tích về cách phân biệt, nhưng vẫn không thể linh động sử dụng chúng theo ý muốn, vẫn cứ lẫn lộn, nên mình cũng khoanh tròn cả 2 trợ từ này. Và cố gắng phân tích xem đâu là chủ thể thật sự khi 1 câu cùng xuất hiện 2 trợ từ. Hầu như cố gắng thuộc lòng kiểu sử dụng theo sách, chứ chưa tìm ra quy luật nào tối ưu hơn những quy luật đã giải thích trên mạng.
4. Những biến thể của động từ dễ bị nhầm lẫn nhất là “ thể bị động”, “thể sai khiến”, “thể khả năng”, “ thể được ai đó cho làm gì đó…” mình cũng rất để ý, gạch dưới và đọc đi đọc lại vài lần cho quen cách chuyển động từ theo trạng thái vô thức.
Dựa theo những kiểu như thế này, nói thật Su lười học kinh khủng, không có chuyện Su ngồi vào bàn, ngồi viết từ vựng học đi học lại đâu, siêng lắm là tra, rồi đưa vào đoạn văn đọc hiểu lại 1 lần rồi thôi. Nên hầu như quên béng đi mất cái từ vựng đó, thậm chí nhớ nghĩa kanji rồi nhưng lại quên cách đọc, cũng không nhớ bao nhiêu lần mình nhớ nhớ quên quên như 1 con mất trí. Cũng vô dụng, lười nhác như bao người tự nhận về mình trong con đường chinh phục ngoại ngữ.

Chỉ duy nhất 1 điều, mình thích đọc sách, dễ bị hấp dẫn khi mình nhặt được câu nói, câu viết gì đó quá tâm đắc, khiến mình phải tra từ vựng để hiểu, để mượn và để sử dụng. Việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần, 1 từ vựng có thể xuất hiện trong nhiều sách khác nhau. Có thể sách này mình chưa thèm hiểu, thì lại gặp ở sách khác, cái kiểu gặp như vậy nó làm mình nghĩ là “ Cái từ khỉ này sao gặp quài mà không nhớ vậy trời”, vậy là tra cứu, lại nhớ, lại quên rồi lại nhớ. Nghe đâu cái từ nào gặp nó chừng 36 lần thì mình bị in sâu vô não. Nên cứ phải tạo điều kiện để mình gặp gỡ chúng nó thường xuyên, quen mặt, và thành của mình.
Năng lực đọc và phán đoán của mình cứ thế lên theo tần suất đọc sách của mình, từ vựng cũng trở thành của mình một cách tự nhiên, tiềm ẩn trong trí nhớ. Cứ luyện vậy hoài, sẽ đạt đến cảnh giới đọc 1 câu viết nào đó, sẽ có cảm giác nó kỳ kỳ mà không thể nào giải thích nổi vì sao, chỉ biết nó sai thôi.

Suchanより
Nhân ngày chả biết viết gì về ngữ pháp và từ vựng nữa.


Comments

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close
error: Tôn trọng bản quyền!!!